BẢN CHẤT CỦA ĐINH LA THĂNG

BẢN CHẤT ĐINH LA THĂNG (1)

Những bài báo này đã lột tả đúng bản chất con người Bộ trưởng Đinh La Thăng. Cảm ơn các tác giả đã giúp cho bạn đọc có được những cái nhìn đa chiều, sâu rộng về vị bộ trưởng đang được dư luận đặc biệt quan tâm này... (Snow Autumn)
BÀI 1
"TÔI KHÔNG LẠ GÌ ANH ĐINH LA THĂNG ..."

Ngoc Quang (Báo Giáo dục Việt Nam)
Đúng vào lúc bài toán giao thông Hà Nội và TP.HCM trở nên nóng hơn bao giờ hết, ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã dành cho Báo Giáo dục Việt Nam những chia sẻ, đánh giá về Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Giải mã “hiện tượng Đinh La Thăng”
-Kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Đinh La Thăng nổi lên như một “hiện tượng”, đó là chuyện “trảm tướng”, “vi hành” bằng xe buýt, cấm cán bộ lãnh đạo của Bộ GTVT chơi golf... Ông nghĩ gì về Bộ trưởng Thăng và những việc làm ấy?
-Ông Vũ Mão: Tôi hoan nghênh và ủng hộ những việc làm thể hiện tư duy, phong cách mạnh mẽ của của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Có thể nói rằng, đó là những việc làm cần thiết với một người có cương vị ở cấp Bộ trưởng. Đất nước chúng ta cần phải có những con người như thế. Hiện nay, dư luận đồng tình với Bộ trưởng Thăng rất nhiều, những ý kiến qua lại cũng không ít, tôi cho đó là chuyện bình thường.
Cuộc sống của nhân dân ta, tình hình của đất nước ta đang đặt ra những vấn đề cấp bách, yêu cầu chúng ta phải giải quyết và rất cần có những con người dám chịu trách nhiệm để giải quyết. Vấn đề ùn tắc giao thông, vấn đề tai nạn giao thông là một trong những vấn đề bức xúc của cuộc sống hiện nay. Không thể để tình trạng ấy kéo dài hơn nữa, vì thế những việc làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng thể hiện trách nhiệm và tình cảm với nhân dân.
-Nhưng dường như vẫn còn rất nhiều ý kiến chưa đồng tình trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo, thưa ông?

-Ông Vũ Mão:
Người trong cuộc thì phải hành động cụ thể, đôi khi buộc phải đưa ra những quyết định cứng rắn (thậm chí là chưa có tiền lệ), nhưng quyết định ấy thể hiện rõ ràng đó là ý thức trách nhiệm với công việc thì rất tốt. Tôi cho rằng, quyết định ấy được khoảng 70% ủng hộ đã là tốt lắm rồi, được khoảng 70% dư luận đồng tình cũng là thuận lợi, chứ không có việc gì mà lại nhận được sự tán thành 100% cả.
Tôi cho rằng, những gì có được ở Đinh La Thăng ngày hôm nay là cả một quá trình tích lũy, rèn luyện nhiều năm – quan trọng là ở chỗ đó và cũng phải thấy đây là kết quả của cả một quá trình đào tạo cán bộ lâu dài của Đảng, Nhà nước và Đoàn thể của chúng ta.
-Nói như vậy thì có phải ông đã hiểu tường tận về Bộ trưởng Thăng?
-Ông Vũ Mão: Tôi nói tới Đoàn thể là vì có liên quan tới Đoàn Thanh niên. Tôi nhớ lại quãng thời gian đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Đoàn Thanh niên đã nhận lấy trách nhiệm tham gia vào Công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà và được Hội đồng Bộ trưởng lúc đó ra Quyết định công nhận đó là “Công trường thanh niên Cộng sản Sông Đà”.  Ở đầu giai đoạn này, Đinh La Thăng tốt nghiệp Đại học Tài Chính và về công tác tại Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà, trực tiếp tham gia công việc tại “Công trường thanh niên Cộng sản Sông Đà”.  Những ai được tham gia làm việc tại công trường đó, từ cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ cho tới những công nhân đều thấm thuần tư tưởng, mang trong mình dòng máu của người thanh niên cộng sản. Họ được sống trong không khí sôi sục ấy là niềm tự hào và hạnh phúc. Đinh La Thăng là một trong những người có may mắn như thế và đã trưởng thành trong môi trường sống động của một tập thể trong sáng.
  Tôi nghĩ rằng, với sự nhạy cảm của lớp thanh niên, được bồi đắp bởi những tư duy mới và phong cách cộng sản như vậy, Đinh La Thăng đã trưởng thành và cống hiến. Từ một cán bộ trẻ tuổi, sau gần 10 năm, anh Thăng đã trở thành một cán bộ giỏi về chuyên môn và tích cực tham gia vào công tác Đoàn, rồi trở thành Bí thư Đoàn thanh niên Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà – một Thủ lĩnh Thanh niên tiêu biểu trong cả nước.
  Tính quyết đoán của Đinh La Thăng ngày hôm nay được hình thành từ ngày ấy, tất nhiên là trước đó thì phải kể đến sự ảnh hưởng của cha mẹ, gia đình và của quê hương. Tuy nhiên, môi trường làm việc, sự phấn đấu đầy gian khổ thời bấy giờ mới chính là yếu tố quyết định hình thành nên sự mạnh mẽ trong tính cách của Đinh La Thăng.
  Có thể nói, tôi không lạ gì anh Thăng hay những ai biết tới anh ấy từ gần 30 năm về trước thì sẽ thấy được ở Bộ trưởng giao thông sự thông minh, trẻ trung, nhạy cảm, vui tính, đôi khi hài hước và đồng thời trong công việc thì mạnh mẽ và quyết đoán.  Có người đã nhận xét rằng phong cách của Đinh La Thăng là “phong cách công trường” – tức là “đốc chiến”. Điều đó là phù hợp với quá trình trưởng thành của Thăng. Tôi nghiệm ra rằng, những ai đã qua cái “nghề” công trường và cái “nghề” thanh niên thì thường có phong cách ấy.
“Dân người ta biết cả đấy…”
-Ông coi những việc làm của Bộ trưởng Thăng vừa qua là bình thường, là việc đương nhiên phải làm… còn với nhiều người dân thì đó lại là “hiện tượng”. Ông có thể lý giải điều này?
-Ông Vũ Mão: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết nhường phần ai…”, đó là một câu hát có thể phản ánh được tâm tư của Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cấp cao luôn ngày đêm tâm huyết với những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Theo tôi điều quan trọng nhất đối với những người giữ trọng trách như Đinh La Thăng là cần có động cơ trong sáng, mọi hành động và việc làm luôn hướng về nhân dân. Đã làm lãnh đạo thì ai cũng có một chút quyền lợi, nếu không phải vậy thì chẳng ai phấn đấu làm lãnh đạo, nhưng có những lúc phải biết dẹp bỏ cái tôi để ưu tiên cho đại cục. Dân người ta biết cả đấy, ai làm được việc gì tốt, làm vì nhân dân, ai chỉ nói hay mà làm dở thì rốt cuộc cũng lộ ra hết cả.
  Thí dụ như việc vừa qua Đinh La Thăng cấm cán bộ lãnh đạo chơi golf, nhiều ý kiến phản biện cho rằng như vậy là vi phạm quyền này quyền khác, nhưng tôi cho rằng ở một khía cạnh nào đó thì quyết định của Bộ trưởng cũng có cái lý. Điều đó thể hiện là chúng ta đang có quá nhiều vấn đề thời sự mà ngành giao thông chưa giải quyết được, trong khi đó có một số cán bộ còn dửng dưng, thậm chí vô cảm với những yêu cầu chính đáng của nhân dân.
-Một số ý kiến cho rằng, văn bản này là trái luật, quan điểm của ông thì sao?
-
Ông Vũ Mão: Việc ra văn bản để khắc phục những thiếu sót đó để điều hành công việc tốt hơn là cần thiết, còn nội dung của văn bản cần phải tuân thủ các quy phạm pháp luật. Còn có coi những việc làm ấy là “hiện tượng” hay không là do quan niệm của mỗi người. Dư luận rất có lý khi gọi những việc làm của Đinh La Thăng là “hiện tượng”, bởi vì hiện nay còn có những cán bộ có cương vị và thẩm quyền tương tự như thế mà lại “trầm” quá. Có lẽ, họ muốn giữ “hòa khí”, muốn “yên ổn” nếu không muốn nói là muốn “yên thân”.
  Vẫn biết rằng, con người ta không ai có thể là toàn diện cả, nhưng đã là người lãnh đạo thì phải khiêm tốn, nâng cao tinh thần học hỏi không ngừng để hoàn thiện chính mình. Đồng thời, đã là người lãnh đạo thì họ phải xứng đáng là Thủ lĩnh, biết tập hợp đông đảo những người tài giỏi, thậm chí tài giỏi hơn cả mình thì mọi việc mới có hiệu quả và thành công.
-Nhưng một nhiệm kỳ làm Bộ trưởng chỉ có 5 năm thì khi “hoàn thiện mình” cũng đã hết nhiệm kỳ rồi…?
-Ông Vũ Mão: 5 năm là khoảng thời gian không ngắn. Với khoảng thời gian đó, nếu dốc hết sức mình cho công việc, sống thanh bạch và trong sáng, không tham nhũng thì một vị Bộ trưởng cũng có thể chứng minh được tài năng của mình. Thước đo hiệu quả công việc và uy tín có được chính là sự ghi nhận và đánh giá của nhân dân. Rõ ràng rằng, chúng ta không thể chấp nhận cái kiểu “tư duy nhiệm kỳ”như thế!
-Một số cán bộ trong một nhiệm kỳ không phát huy được hiệu quả công tác có phải là do đặt nhầm vị trí, thưa ông?
-Ông Vũ Mão: Khái niệm đặt nhầm vị trí cũng cần trao đổi làm cho rõ hơn. Tôi cho rằng, trong công tác cán bộ phải công tâm, phải lấy tiêu chuẩn để xem xét, cân nhắc để bổ nhiệm vào đúng vị trí. Tiêu chuẩn là gì? Ai cũng hiểu được, đó là Đức và Tài, bây giờ người ta hay dùng cụm từ “Tâm và Tầm”, cũng rất đúng.
Có những trường hợp đề bạt cán bộ mà không đủ đức và tài thì ở bất cứ công việc nào thì họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp này, gọi là đặt nhầm vị trí cũng đúng; nhưng khốn khổ, đặt ở một vị trí khác thì họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Như thế thì có nên gọi là đặt nhầm hay không? Có lẽ nên gọi là chọn sai cán bộ... Tóm lại, khi một cán bộ không đủ tiêu chuẩn, không có đức lại không có tài thì dù bố trí ở vị trí nào họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ.
  Bằng sự chiêm nghiệm của mình, tôi cho rằng, điều quan trọng với người làm lãnh đạo là dám đưa ra những quyết sách đột phá, tôi tin những người như anh Thăng hay anh Huệ (Bộ trưởng Bộ Tài chính) sẽ làm được những việc ấy. Điều quan trọng nhất là chủ trương phải đúng đắn, đã làm thì làm cho tới cùng, đừng e ngại một cách thái quá, tất nhiên người Việt Nam ta và người Á Đông nói chung ưa thích cách ứng xử tế nhị, nhưng việc gì dứt khoát là phải quyết, không được chần trừ, cũng đừng đổ lỗi tại điều gì cả.
-Một số ý kiến cho rằng, Bộ trưởng Thăng đúng là dám nói dám làm, nhưng đôi khi tỏ ra nóng vội, gần đây nhất là chuyện đề nghị tiêu hủy xe đua. Bây giờ, ông Thăng đề xuất thay đổi giờ làm, hạn chế xe cá nhân… nhưng nhiều người lo ngại đời sống sẽ bị ảnh hưởng. Quan điểm của ông như thế nào?
-
Ông Vũ Mão: Tôi thấy cũng có nhiều người đề cập tới vấn đề này rồi. Đầu tiên, tôi ủng hộ với chủ trương thay đổi giờ làm và giờ học để chống kẹt xe, nhưng tất nhiên để phát huy được tính hiệu quả cao và đảm bảo những năm sau này không bị tái diễn cảnh tắc đường như hiện nay thì cần nhiều giải pháp khác nữa. Đó là tính toán và điều chỉnh lại hạ tầng, phát triển mạnh các phương tiện giao thông công cộng, đẩy mạnh tốc độ phát triển các khu đô thị vệ tinh để giảm gánh nặng cho Hà Nội…
  Như tôi đã nói, chủ trương tốt chưa chắc khi đi vào thực hiện đã tốt, bởi chủ trương chỉ là một ý tưởng lớn, chúng ta cảm nhận được thành quả, mà vấn đề ở đây rõ ràng là hơn 7 triệu dân ở Hà Nội không đi học, đi làm vào cùng một giờ thì sẽ bớt đi rất nhiều cảnh ùn tắc. Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều ý tưởng nhỏ để đảm bảo hoàn thành ý tưởng lớn ấy, không phải cứ nói làm là làm được ngay, mà còn phải tính toán xem đời sống của nhân dân có ảnh hưởng lớn không.
  Lâu nay, người ta đã quen với nếp sống ấy thì cũng phải có thời gian làm quen lại, nói ví von thì giống như khi bác sĩ tiêm thuốc kháng sinh cho bệnh nhân cũng phải thử trước.
  Chúng ta cần sự phối hợp, sự ủng hộ toàn tâm toàn ý của thành phố, của các cơ quan khác nữa thì nhiệm vụ này mới hoàn thành. Và còn một điều quan trọng nữa, hãy tính toán cẩn thận để không phải đổi giờ nhiều lần, gây ra những “phản ứng phụ” với đời sống của hàng triệu người dân. Tôi tin tưởng và ủng hộ Bộ trưởng Thăng, vì những việc làm của anh ấy đã thể hiện rõ trách nhiệm ở vị trí lãnh đạo của mình.
-Theo ông thì chiếc ghế của Bộ trưởng Bộ Giao thông “nóng” hay những vấn đề thuộc Bộ này quản lý mới là “nóng”?
-Ông Vũ Mão: Nếu nói là ghế Bộ trưởng Giao thông “nóng” thì Bộ nào không nóng? Tôi cho rằng ở vào các vị trí của Bộ trưởng thì trách nhiệm của họ đều nặng nề chứ không phải là người này nặng, người khác thì nhẹ. Bộ Tài chính cũng “nóng” chứ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng rất “nóng” – tiền của đổ vào đâu, đầu tư vào đâu, cắt giảm chỗ nào, đầu tư chỗ nào? Bộ Tài Nguyên & Môi trường cũng “nóng” quá đi chứ, đất đai vốn là tâm điểm của báo chí nhiều năm qua, Nhà nước thì bị thất thoát, người dân cũng bị mất đất (được đền bù quá thấp, không giúp họ tạo dựng nghề nghiệp mới), tiền của lại chảy vào túi của một số người… nhưng những cái đó, người dân không nhìn thấy hàng ngày như là chuyện kẹt xe, tai nạn giao thông đấy thôi.
-Vậy ông có lời khuyên gì dành cho Bộ trưởng Thăng không?
-Ông Vũ Mão:
Nhân đây, tôi cũng gửi lời tới anh Đinh La Thăng rằng, chủ trương tốt nhưng cần phải tính toán thật kỹ lưỡng, phải rất cẩn trọng trước mỗi quyết định để xem xét hệ lụy kéo theo là cái gì? Cái được và cái mất là gì để có quyết sách cho đúng đắn.
 Bản thân tôi và nhiều người khác cũng ủng hộ việc phải tập trung chống nạt kẹt xe, giảm tai nạn giao thông và quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng tình hình phát triển, nhưng dùng biện pháp gì, tính toán ra sao thì hiện tại chưa được rõ ràng cho lắm. Lúc này, tôi nghĩ cần phải phát huy sức mạnh tập thể, kêu gọi các nhà khoa học đóng góp ý kiến, thậm chí có thể tổ chức các cuộc thi để chọn ra giải pháp.
-Cũng có ý kiến nói rằng, ông Thăng vốn không phải người của ngành giao thông, có lẽ sẽ rất khó thành công ở vị trí này?

-Ông Vũ Mão: Tôi không nghĩ vậy, vì điều quan trọng nhất với người làm lãnh đạo cấp cao là tầm tư duy chiến lược, vì họ là chính khách. Ở các nước, từ lâu rồi, người ta đã quan niệm và làm như thế. Tất nhiên, khối lượng công việc ở Bộ Giao thông – Vận tải là quá lớn, những khó khăn vướng mắc trong cơ chế quản lý từ hời bao cấp vẫn còn vương vất đây đó, cơ chế quản lý mới chưa được trọn vẹn, tình trạng “nửa nạc nửa mỡ” vẫn còn khá phổ biến.
  Những bất cập to lớn ấy là rào cản không dễ gì một sớm một chiều thay đổi được. Chính vì vậy mới đòi hỏi người lãnh đạo phải có tư duy ở tầm chiến lược, có năng lực của chính khách, phải có tâm huyết, tính chiến đấu cao giống như khi ra chiến trường vậy. Có thể là phải “một mất một còn” may ra mới xoay chuyển được tình thế.
  Anh Đinh La Thăng là người từng trải. Ai cũng biết anh Thăng vốn là “dân tài chính” mà đã lãnh đạo tốt Tổng Công ty xây dựng Sông Đà, được là một trong 5 Doanh nghiệp Nhà nước có “chân” trong Quốc hội Khóa XI. Anh Thăng đã làm tròn nhiệm vụ của Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, rồi làm tốt vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Tôi nghĩ anh Thăng có đủ năng lực, có đủ kinh nghiệm để xử lý các tình huống, hoàn thành nhiệm vụ ở cương vị mới này.
-
Lâu nay, chúng ta đã nghe quá nhiều lời hứa của các Bộ trưởng, nhưng kết quả thì không được như mong muốn. Theo ông thì có cần phải giám sát thật chặt chẽ lời hứa của các Bộ trưởng cũng như kế hoạch đề ra của nhiệm kỳ?
-Ông Vũ Mão: Thực tế chúng ta có quy định về công tác giám sát và bỏ phiếu tín nhiệm, hai cái đó rất quan trọng, cần phải làm. Tuy nhiên, tôi thấy mức độ giám sát của các cơ quan thuộc Quốc hội, có những việc chưa sâu sát, hiệu quả giám sát chưa cao. Quy định bỏ phiếu tín nhiệm cũng chưa thực hiện được vì chưa thống nhất được nhận thức, cho nên chưa thể làm được. Đó là nỗi buồn day dứt trong tôi từ nhiều khóa nay. Theo tôi, Khóa XIII này phải chấn chỉnh lại cách làm và phải làm thật.
  Làm việc ở Quốc hội lâu năm, tôi rút ra, công tác ở Quốc hội có thể là khó mà cũng có thể là dễ bởi vì lâu nay Quốc hội giám sát các cơ quan khác chứ có ai giám sát Quốc hội đâu! Vì thế, các cơ quan của Quốc hội cần làm tốt hơn nữa chức năng giám sát của mình. Ước vọng của nhân dân là các Luật và các Nghị quyết của Quốc hội đi thẳng vào cuộc sống. Ước vọng của nhân dân là các Bộ trưởng hứa ít làm nhiều. Nhân dân là người trực tiếp được thụ hưởng những thành quả ấy, niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước cũng được tăng dần lên từ chính những điều thiết thực ấy.  Nói tóm lại, chúng ta cần phải nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị.
                                                                      *************
           *BẢN CHẤT ĐINH LA THĂNG (2)
           *BẢN CHẤT ĐINH LA THĂNG (3)
           *BẢN CHẤT ĐINH LA THĂNG (4)